Phân loại máy phay tay

Thủ thuật

Phân loại máy phay tay: lựa chọn theo nhu cầu sử dụng

Phân loại máy phay tay: lựa chọn theo nhu cầu sử dụng
BY VUONGNUCE | #31 - 30/Th9 2017

 

Máy phay tay là một trong những thiết bị quan trọng của người làm mộc cũng như DIY. Ngoài đánh chỉ, chạy hèm, đánh cạnh, làm mộng nó còn được ví như một chiếc máy cnc cầm tay mini. Với chút trải nghiệm sau nhiều năm được tiếp xúc với các đời máy khác nhau hôm nay mình có một số chia sẻ đến với mọi người về cách phân biệt từng loại máy và giúp các bạn lựa chọn cho mình một chiếc máy phù hợp với nhu cầu

Về cách vận hành máy phay tay được chia là 2 loại cơ bản

  • Fixed Base( đế cố định)
  • Plung Base( đế nhấn)

Về cốt lưỡi ta hay chia làm 2 loại:

  • Mini dùng cốt 6.35 
  • Loại to sử dụng cốt 12.7

 

Bosch GOF1600CE bên trái với đế( thân) dạng nhấn  và Dewalt DW618 đế cố định

 

Loại đế( thân) cố định: nếu bạn nào chơi máy ảnh thì sẽ nghe qua 2 thuật ngữ lens fixed và lens zoom. Nói nôm na thì máy phay cũng vậy fixed base loại đế cố định tương đương với lens fixed( loại có tiêu cự cố định không thay đổi được). Và loại máy phay Plunge Base đế nhấn tương đương lens zoom( có thể thay đổi tiêu cự). Với máy phay có đế cố định thì toàn bộ thân máy hình trụ tròn được đặt trong một chiếc đế. Việc tăng giảm độ sâu đường cắt được thực hiện bằng cách xoáy cả thân máy như Dewalt DW618 hay bằng cách phổ biến hơn là dùng thông qua một chiếc ty ren( Milwaukee 5625-20) Nhờ thiết kế như vậy nên máy phay có đế cố định điều chỉnh độ sâu cắt rất chính xác và có thể điều chỉnh từng ly 1. Với những máy phay phổ biến dạng này bên nước ngoài người ta còn thiết kế riêng 1 loại dành cho máy phay bàn giúp chi phí đầu tư cũng như chế tạo một chiếc máy tupi mini dễ dàng và kinh tế hơn nhiều. Vài model dạng này như Milwaukee 5625-20 hay Bosch 1617 EVS. Bạn chỉ cần gia công thêm 1 tấm nhôm làm mặt đỡ là sẽ có một chiếc máy phay bàn( tupi mini) ở mức entry level hay semi pro. Khi không dùng các bạn có thể tháo ra để sử dụng nó như một máy phay thông thường. Với cấu tạo kể trên máy phay có đế cố định thường được dùng khi bạn đánh rãnh, đánh cạnh gỗ, dùng cho các bộ cữ làm mộng đuôi cá. Nhờ tay cầm đặt thấp nên về mặt vật lý học trọng tâm khi điều khiển máy được dồn xuống dưới giúp thao tác của bạn vững vàng hơn. Vậy đâu là nhược điểm của loại máy này: như đã nói do việc điểu chỉnh độ cao được thực hiện qua một tyren vặn hoặc xoay cả thân máy nên bạn buộc phải làm trước khi cho máy chạy, bạn không thể thay đổi được độ sâu mũi cắt trong suốt quá trình máy đang vận hành trừ khi bạn tắt nó đi. Chính vì thế nó không phù hợp khi các bạn cần sự linh hoạt, cần thay đổi sâu mũi cắt liên tục trong quá trình sử dụng như đục mộng âm hay bạn muốn chạy 1 đường rãnh ở giữa phôi gỗ.

 

Vòng chỉnh tăng giảm độ sâu mũi cắt

Milwaukee 5625-20 có công suất 2500W với chức năng sẵn có để tạo ra một máy tupi phân khúc semi-pro

 

Loại đế( thân) nhấn: khác với đế cố định máy phay dạng nhấn điều khiển độ sâu mũi cắt bằng cách nhấn cả thân máy xuống dưới thông qua 2 con ty đỡ lò xo. Đây là loại máy phay phổ biến và chiếm thị phẩn lớn nhất tại thì trường. Do sự linh hoạt kể trên mà loại mày có thể làm được tất cả mọi việc mà máy phay có đế cố định có thể làm được tuy không phải lúc nào cũng tốt bằng: khó làm phay bàn, không điểu chỉnh từng ly dễ dàng như fixed base (tùy model). Nó phù hợp để bạn đục mộng âm, khoét rãnh khoét lỗ ở vị trí phía trong phôi gỗ hay bất cứ việc gì cần sự linh hoạt trong điểu khiển độ sâu mũi cắt. Hầu hết các máy phay đế nhấn đều cho cảm giác cầm cầm nắm không tốt bằng loại đế cố đinh tuy nhiên Festool OF1400 lại là một ngoại lệ. Với thiết kế dạng chuôi nắm phía sau và khối lượng nhẹ: Festool OF1400 có thể dùng 1 tay dễ dàng trong lúc điều khiển căn chỉnh trước khi chạy. Phay dạng nhấn cũng có thiết kế đầu cắm cho máy hút bụi tốt hơn nhiều so với loại đế cố định

Loại mini dùng cốt 6.35: tôi chia ra vậy thực ra là để phân biệt về công dụng hơn là hình thức sử dụng đường kính mũi bởi lẻ các máy phay lớn vẫn có somi chuyển qua 6.35 khi bán ra nhưng với loại chuyên dụng dùng cốt này thì khác. Đây là loại máy phay nhỏ chủ yếu dùng cho việc đánh cạnh, các công việc nhẹ nhàng hay bạn muốn khoét một hình thủ cần tỉ mỉ và thao tác dễ dàng thì máy phay dạng này rất phù hợp. Về cách điều khiển khi vận hành thì 99% máy loại này đều có cấu tạo tương tự fixed base. Makita RT0700C hay Dewalt 611 là 2 chiếc máy phay điển hình thuộc phân khúc này.

Loại to dùng cốt 12.7: tương tự quay về các loại như đế cố định và đế nhấn nên tôi không nói gì thêm ở đây nữa. Chỉ muốn nhấn mạnh khi phân biệt với các máy phay mini cầm tay dùng cốt 6.35

 

Tổng kết

 

Với tất cả phân loại và công dụng đã kể ra ở trên các bạn đã có thể bước đầu chọn ra cho mình một chiếc máy phay phù hợp với công việc hằng ngày. Bạn cần 1 chiếc máy phay có thể làm được mọi việc, linh hoạt hút bụi tốt hãy chọn loại đế nhấn. Bạn cần một chiếc máy vừa có thể làm phay bàn vừa công dụng như một chiếc máy phay cầm tay hãy cố gắng mua Dewalt 618PK hay Bosch 1617EVS đây là  2 model có thể chuyển đổi dễ dàng qua 2 loại đế kể trên...vv. Và cuối cùng không có gì là hoàn hảo, tùy điều kiên kinh tế, ứng dụng sản phẩm làm ra hay thời gian thao tác mà các bạn tự biết điều chỉnh cho phù hợp.

 

Tôi là VUONGNUCE viết cho Mộc Chay Woodworking.

Mộc Chay Woodworking #31

Bài viết khác

Lựa chọn tốc độ phù hợp cho máy phay

Lựa chọn tốc độ phù hợp cho máy phay

Tôi gặp khá nhiều sự ngộ nhận ngay cả trong chính người thợ mộc

Mộc Chay

Chúng ta có mộc và điều gì đó

(+84) 914318789

info@mocchay.net

440 Bình Quới, F28, Bình Thạnh, HCM

CONNECT WITH MOCCHAY
© 2016 Moc Chay, Inc. All rights reserved.